Nguyên nhân gây ung thư do thực phẩm bẩn

Số ca mắc bệnh ung thư diễn ra ngày càng nghiêm trọng, tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%.


Theo số liệu mà Bộ Y tế cung cấp tại Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp - người tiêu dùng: Đón sóng thực phẩm sạch diễn ra ngày hôm nay (23/8) tại Hà Nội, mỗi năm tại Việt Nam có hơn 75.000 người chết vì ung thư, nghĩa là mỗi ngày có 250 người chết.

Bộ Y tế cũng thống kê, chỉ với 6 loại ung thư phổ biến, tổng chi phí trực tiếp và gián tiếp đã lên tới con số 26.000 tỉ đồng, chiếm 0,22% GDP của Việt Nam. Khoa học đã chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ung thư, một trong số đó được chỉ đích danh là do thực phẩm bẩn.

Thực phẩm bẩn không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người mà còn liên quan tới chất lượng giống nòi, tầm vóc người Việt Nam.

Dẫn báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, có hơn 2.000/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng; hơn 2.500/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%, kế đến là hút thuốc lá 30%, yếu tố di truyền chỉ chiếm 5-10%. Như vậy, chỉ 30% là do kém may mắn, còn lại 70% là có thể phòng được ung thư.

Thực phẩm bẩn có thể gây ung thư dạ dày, thực quản, ung thư gan, ung thư tủy, ung thư vòm họng, ung thư đại trực tràng… Dưới góc độ chuyên gia nếu nói không với thuốc lá, bia rượu, khám sức khỏe định kỳ, tầm soát sớm ung thư, và đặc biệt là sử dụng những nguồn thực phẩm đáng tin cậy và bảo đảm vệ sinh an toàn trong quá trình chế biến thực phẩm thì có thể hạn chế rất nhiều nguy cơ ung thư.

Dù vậy, để tìm kiếm được thực phẩm sạch cũng không dễ dàng.

Theo một cuộc khảo sát gần đây, 45% người được hỏi cảm thấy không tin tưởng vào các địa điểm mà họ vẫn mua thực phẩm hàng ngày. Vấn đề niềm tin đang là rào cản khổng lồ ngăn giữa người sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch và người tiêu dùng.

Thế nhưng, các doanh nghiệp nước ngoài lại thấy sự nhập nhèm thông tin thực phẩm trong nước là một mảnh đất màu mỡ để họ đưa sản phẩm vào tiêu thụ. Thực tế, những năm gần đây, vốn ngoại đang ồ ạt đổ vào thị trường này. Đầu năm nay, 13 doanh nghiệp xuất khẩu thịt heo của Canada đã sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội giao thương. Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp từ các thị trường như New Zealand, Mỹ… cũng đã đặt chân vào thị trường thực phẩm Việt Nam.

Tại diễn đàn, ông Trương Đình Tuyển, cựu Bộ trưởng Thương mại, cho hay thách thức lớn nhất đối với ngành nông nghiệp khi hội nhập là chúng ta không bảo đảm được tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật để có thể tận dụng cơ hội khi các đối tác đưa thuế nhập khẩu của rất nhiều sản phẩm nông thủy sản của chúng ta xuống 0%. Trong trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn thì cơ hội không những không tận dụng được mà thách thức sẽ ập đến.

“TPP có hiệu lực, nông sản sạch nước ngoài tràn vào với giá hợp lý. Khi đó, liệu người tiêu dùng Việt sẽ lựa chọn thực phẩm sạch có nguồn gốc từ nước ngoài hay thực phẩm Việt không rõ nguồn gốc và thiếu an toàn? Đây là câu hỏi rất dễ trả lời”, ông Tuyển nói.

Vì vậy, vấn đề cấp bách đặt ra là phải bảo đảm sản xuất nông sản, thực phẩm và tiêu dùng thực phẩm sạch. Cần nhấn mạnh rằng bảo đảm nông sản, thực phẩm sạch không chỉ là yêu cầu của xuất khẩu mà quan trọng hơn là bảo đảm sức khỏe của người dân Việt Nam.
Share on Google Plus

LỜI MUỐN NÓI Unknown

Trung tâm ung bướu Hồng Ngọc luôn giữ vững sứ mệnh chăm sóc bệnh nhân bằng tất cả tấm lòng tận tâm và nhiệt tình của mình, nhằm mang đến cho bệnh nhân cảm giác an tâm và thoải mái nhất trong môi trường y tế quốc tế.
    Blogger Comment
    Facebook Comment